Du lịch Đà Nẵng

Tập trung triển khai giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trong năm 2021

Năm 2021, toàn ngành du lịch sẽ tập trung huy động các nguồn lực khôi phục hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19; phấn đấu số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2021 tăng 85-86% so với năm 2020 (ước đạt hơn 5 triệu lượt), trong đó khách quốc tế tăng 37-38% (ước đạt gần 970 ngàn lượt); doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 85-86% so với năm 2020 (ước đạt hơn 8 ngàn tỷ đồng).

Đẩy mạnh liên kết địa phương, kích cầu du lịch và tăng cường hoạt động xúc tiến trực tuyến

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu tăng trưởng về du lịch, nguồn thu ngân sách, kéo theo sự sụt giảm của các ngành thương mại, giao thông,  dịch vụ, du lịch. Năm 2020, số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 2,7 triệu lượt, giảm 63,2% so cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế giảm 75,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt hơn 13 ngàn tỷ đồng, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, Sở Du lịch đã phối hợp với Cảng hàng không Đà Nẵng, Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (Hồ Chí Minh), Công an thành phố thực hiện các biện pháp cách ly, kịp thời ngăn việc lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, chủ động tham mưu UBND thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động du lịch; triển khai tạm dừng các hoạt động liên quan đến tắm biển và các dịch vụ bãi biển; ban hành các quy định và hướng dẫn triển khai phòng, chống dịch tại các khu, điểm du lịch, đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến du lịch truyền thống, Sở đẩy mạnh hoạt động xúc tiến trực tuyến (webinar) thông qua việc xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo trực tuyến, với các chủ đề về giải pháp du lịch thời kỳ phục hồi hậu dịch Covid-19 đối với thị trường Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc; phối hợp Hiệp hội Du lịch JATA Nhật Bản tổ chức giới thiệu trực tuyến du lịch Đà Nẵng đến hơn 1.000 doanh nghiệp du lịch Nhật Bản. Đồng thời, cập nhật thông tin các đại diện du lịch tại các nước về tình hình kiểm soát dịch và xu hướng, thị hiếu của khách du lịch trong thời gian tới.

Cùng với đẩy mạnh liên kết 3 địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với Hà Nội; liên kết Đắk Lắk - Đà Nẵng, hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Quảng Ninh, khai thác hiệu quả nguồn khách qua đường bay Vân Đồn – Đà Nẵng… thành phố đã phối hợp với Quảng Bình – Thừa Thiên Huế –Quảng Nam tham gia Ngày hội du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch trong khuôn khổ Hội nghị liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam. Đà Nẵng phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn liên kết phát triển du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa” và thực hiện ký Biên bản thoả thuận thực hiện Chương trình kích cầu du lịch với 8 tỉnh thành phía Nam.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch tổ chức chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank You 2020” kết quả thu hút khoảng 1,1 triệu lượt khách, phối hợp Quảng Nam, Thừa Thiên Huế tổ chức “Ba địa phương - Một điểm đến, nhiều trải nghiệm” và tổ chức thành công "Lễ hội Chào năm mới 2021" với nhiều gói dịch vụ, chương trình du lịch, các sản phẩm hấp dẫn phục vụ du khách.

Ngoài giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Sở Du lịch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức gần 30 lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hơn 1.500 học viên; triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025; và phổ biến 10 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, thành phố cần tăng cường các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch và thay đổi tư duy kinh doanh dịch vụ du lịch; mở cuộc điều tra về tình hình nhân sự du lịch cho tương lai và đề xuất hướng giải pháp vĩ mô; cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng.

“Trong bối cảnh “bình thường mới”, việc các doanh nghiệp du lịch lữ hành xác định mục tiêu và chiến lược đúng đắn ngay bây giờ sẽ quyết định vị thế khi cuộc khủng hoảng COVID-19 qua đi. Chuyển đổi số và các kênh phân phối trực tuyến có thể là xu hướng dẫn dắt du lịch phục hồi, giúp doanh nghiệp tối ưu doanh thu. Thông qua cảm biến và các thiết bị số, công nghệ sẽ hỗ trợ  xây dựng thành phố du lịch thông minh, đồng thời tối ưu vận hành, tối ưu năng lượng sử dụng tại các khách sạn, villa, căn  hộ,  tòa  nhà. Việc đầu tư vào chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo còn là nền tảng kết  nối  với  du khách qua thông qua chatbot hay trợ lý ảo thông minh.” – ông Quỳnh chia sẻ.

Quy hoạch, đầu tư, tạo sản phẩm du lịch đặc thù bền vững

Tại hội nghị, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đề xuất thành phố cần nhìn lại thế mạnh của mình để hướng trọng tâm vào những thế mạnh đó, tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù và bền vững. Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn bất lợi, các địa phương tranh nhau đưa ra chiến lược kích cầu du lịch với nhiều sản phẩm phong phú và đa dạng. 

Với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trong năm 2020, một số sản phẩm du lịch dịch vụ đã được đầu tư mới, nâng cấp chất lượng và đưa vào phục vụ khách. Các dự án hạ tầng hỗ trợ phục vụ du lịch cũng đang được xúc tiến, triển khai để hình thành các sản phẩm du lịch mới như: khởi công Công trình Vườn tượng APEC mở rộng, mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, dự án tổ hợp khách sạn BRG Danang Golf Resort, dự án Khu du lịch biển D.A.P, Phố du lịch An Thượng, khởi công giai đoạn 1 dự án Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo.

Cùng với đó là sự kiện khai trương Khu tổ hợp du lịch cao cấp Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa với một số hạng mục dịch vụ hấp dẫn; khai trương khách sạn Hải An Riverfront Đà Nẵng với quy mô 85 phòng cùng dịch vụ cao cấp. Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài nâng cấp đưa vào phục vụ khách các sản phẩm dịch vụ mới. Khu du lịch Suối Hoa tổ chức khu làng dân tộc Toom Sara với các hoạt động sinh thái, cộng đồng thú vị; Bảo tàng Điêu khắc Chăm có 2 bảo vật quốc gia được công nhận… Để phát triển sản phẩm du lịch đường thủy nội địa, Đà Nẵng đã phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế về khai thác chung tiềm năng du lịch biển tại Sủng Cỏ, Mà Đa, Hòn Chảo; nghiên cứu khai thác tuyến du lịch đường thủy nội địa từ bến CT15 đi một số điểm quanh bán đảo Sơn Trà...

Bên cạnh chiến lược phát triển du lịch đô thị, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch cộng đồng, ông Hồ Thanh Tú - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, hiện các đơn vị đang tích cực triển khai loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, kết hợp với các trung tâm triển lãm, hội nghị hội thảo nhằm thu hút các đoàn khách MICE, Golf, tổ chức du lịch khen thưởng để thu hút lượng khách lớn thường xuyên. Với lợi thế các sân golf Montgomerie Links, sân BRG DaNang Golf Resort, sân Ba Na Hills Golf Club, Laguna Golf Lăng Cô, Golf Nam Hội An mang đẳng cấp quốc tế, thành phố Đà Nẵng có thể phát triển sản phẩm du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tour golf tại các sân Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các chương trình wellness và thiền... 

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, hiện nay mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp là sự suy giảm của nhu cầu du lịch (97%), trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn, tâm lý e dè của du khách khi đi du lịch Đà Nẵng. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần tập trung kiểm soát tài chính, đầu tư đúng chỗ, đúng khu vực và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Song song với các giải pháp phát triển thị trường nội địa, ông Nguyễn Đức Quỳnh cũng đề xuất các gói sản phẩm du lịch phù hợp với khách hàng, nhấn mạnh tiêu chí an toàn và trải nghiệm dịch vụ mới… hướng đến phân khúc khách du lịch ngắn ngày, đi theo nhóm gia đình và sử dụng phương tiện cá nhân, khách lẻ đi theo nhóm, cặp đôi và khách đoàn.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch nỗ lực  vượt qua mọi khó khăn, thích ứng với tình hình mới để sớm khôi phục và phát triển hoạt động kinh doanh du lịch. Năm 2021, Sở Du lịch thành phố cam kết luôn hỗ trợ, đồng hành và quyết tâm cùng doanh nghiệp triển khai kế hoạch khôi phục hoạt động kích cầu, trong đó tập trung thu hút khách du lịch nội địa.

Song song với duy trì thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại tất cả các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch để góp phần giữ gìn điểm đến an toàn, thành phố dự kiến tổ chức nhiều sự kiện du lịch như: Cuộc thi Marathon Quốc tế Đà Nẵng, Cuộc thi Ironman 70.3 Vietnam, Cuộc thi người đẹp du lịch Việt Nam 2021; Chương trình kích cầu và sự kiện du lịch Golf. Đồng thời, ra mắt các sản phẩm du lịch mới như Chương trình “Đêm Đà Nẵng”, Bãi biển đêm Mỹ An; Phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc, Hòa Ninh và Nam Ô, Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, quận Sơn Trà...

Cùng với đó, Sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và môi trường du lịch, phối hợp các ngành, địa phương đảm bảo môi trường du lịch an ninh, an toàn; xây dựng thương hiệu điểm đến Đà Nẵng an toàn, hấp dẫn và mến khách. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng xã hội về phát triển du lịch; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch và bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch.

Theo CÔNG TÂM
Tiết kiệm thời gian và tiền bạc!
Hãy đăng ký và chúng tôi sẽ gửi những ưu đãi tốt nhất cho bạn
Zalo Hotline
Loading...
×